Dây chuyền công nghiệp: Hiệu quả và thách thức trong thời đại 4.0

Tham gia thời kỳ chuyển đổi số là một xu thế không thể từ chối của tất cả các doanh nghiệp hiện nay. Cả thế giới bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng toàn cầu hóa đang tạo ra những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là về kinh doanh sản xuất.

Tự động hóa dây chuyền sản xuất là một đặc điểm nổi bật của việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đây là một cách thức hiệu quả để tăng chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và giảm thiểu những rủi ro có thể xuất hiện khi sử dụng lao động thủ công. Bài viết dưới đây sẽ nêu lên những thông tin tổng quát về hiệu quả và thách thức khi sử dụng dây chuyền công nghiệp trong thời đại 4.0.

Sơ lược về dây chuyền công nghệ

Dây chuyền công nghệ là gì ?

Dây chuyền công nghiệp là tập hợp hệ thống máy móc và con người để tạo ra một quy trình sản xuất tuần tự cho một sản phẩm nào đó trong phân xưởng. Sau một loạt các quy trình khác nhau, các chi tiết máy, các linh kiện, bộ phận sẽ được lắp ráp lại thành một chỉnh thể, tạo thành một sản phẩm cuối cùng trước khi đưa vào tiêu thụ chính thức.

Các nguyên liệu đưa vào dây chuyền sản xuất công nghiệp thường ở dạng thô, đòi hỏi một chuỗi các quá trình gia công bài bản để các vật liệu này trở nên hữu ích trong sản xuất. Trong ngành công nghiệp kim loại, quy trình này bao gồm một số bước như: Nghiền, nấu chảy, tinh chế,….

Phân loại dây chuyền công nghiệp

Có nhiều loại dây chuyền công nghiệp khác nhau: Tuy nhiên, nếu xét về khả năng ổn định làm việc, dây chuyền sẽ được chia ra làm 2 loại là dây chuyền cố định và dây chuyền thay đổi.

  • Dây chuyền cố định: chỉ có thể sản xuất một loại sản phẩm nhất định, quá trình không có sự thay đổi trong suốt một khoảng thời gian dài với khối lượng sản phẩm lớn. Trên dây chuyền này, mỗi một khu vực chỉ chuyên thực hiện một bước trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đây là hình thức tối ưu khi áp dụng với các loại hình sản xuất có khối lượng đáng kể.
  • Dây chuyền thay đổi khác với dây chuyền cố định ở chỗ, nó có khả năng điều chỉnh để tạo ra nhiều loại sản phẩm tương tự nhau mà không bị giới hạn ở một sản phẩm duy nhất. Quá trình sản xuất có thể được ngắt quãng giữa chừng để hệ thống đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Loại hình dây chuyền này có thể áp dụng với cả sản xuất quy mô lớn và vừa.

Ta còn có thể phân chia các loại dây chuyền dựa vào khả năng làm việc liên tục trong một chu trình nhất định, đó là dây chuyền sản xuất liên tục và dây chuyền gián đoạn.

  • Đầu tiên là dây chuyền sản xuất liên tục. Đặc điểm của loại dây chuyền này là mỗi chi tiết tham gia vào dây chuyền đều được vận chuyển một cách tuần tự từ nơi này qua nơi khác và không có thời gian nghỉ. Các chi tiết trên dây chuyền chỉ được phép tồn tại trong trạng thái đang vận chuyển hoặc đang chế biến. Thông thường tốc độ làm việc của toàn hệ thống dây chuyền sẽ tuân theo nhịp bắt buộc, tức là thời gian chế biến tại tất cả các khu làm việc đều bằng nhau.
  • Khác với dây chuyền sản xuất liên tục, trong dây chuyền gián đoạn, nguyên vật liệu sau khi được vận chuyển có thời gian nghỉ để chờ chế biến. Dây chuyền gián đoạn hoạt động theo nhịp tự do. Phương tiện vận chuyển dùng trong loại dây chuyền này thường sẽ không có tính cưỡng bức (không phải băng lăn, mặt trượt,…).

Ngoài ra, dây chuyền công nghiệp còn có thể phân loại theo phạm vi ứng dụng: dây chuyền bộ phận, dây chuyền phân xưởng và dây chuyền toàn xưởng. Hình thức hiện đại, hoàn chỉnh và tối ưu nhất là dây chuyền tự động hóa toàn xưởng. Ở đó, các máy móc chế biến, vận chuyển liên kết chặt chẽ với nhau dưới sự điều hành của một trung tâm điều khiển chung.

Hiệu quả thách và thách thức của dây chuyền công nghiệp

Áp dụng dây chuyền sản xuất vào chế biến công nghiệp sẽ đem lại vô vàn những lợi ích cho chủ đầu tư trên mọi phương diện.

Hoạt động theo dây chuyền sẽ cải thiện năng suất lao động rõ rệt do mỗi một khu vực được giao nhiệm vụ chuyên môn hóa cho một thao tác duy nhất. Ngoài ra, nhờ vào sự thiết lập thông số trước trên máy móc mà chất lượng của sản phẩm đầu ra cũng được nâng cao.

Các sản phẩm hoàn thành thường sẽ đồng đều nhau về hình dáng, mẫu mã, chất lượng, giảm thiểu tỷ lệ sai sót và số lượng phế phẩm không thể sử dụng. Đặc biệt trong lĩnh vực gia công kim loại, sự chính xác trong quá trình chế biến nguyên vật liệu thô sẽ đạt đến mức gần như tuyệt đối.

Bên cạnh những hiệu quả rõ rệt thì dây chuyền công nghiệp cũng đem lại nhiều thách thức đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần phải vượt qua.

Trước hết là chi phí đầu tư ban đầu lớn. Chủ sản xuất sẽ phải bỏ một lượng vốn nhất định để thay đổi hoàn toàn mô hình sản xuất, lắp đặt trung tâm điều khiển, xây dựng các hệ thống dây chuyền, băng chuyền vận tải,… Yếu tố này đòi hỏi các chủ sản xuất phải cân nhắc kỹ lưỡng các loại chi phí để lắp đặt hệ thống dây chuyền vừa hiệu quả, vừa có giá thành hợp lý.

Tác phong làm việc của công nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ quá trình sản xuất theo mô hình dây chuyền. Con người khi đã tham gia vào dây chuyền sẽ phải làm việc liên tục để đảm bảo theo kịp tốc độ của máy móc. Nếu công nhân không có tinh thần trách nhiệm, lười biếng, thiếu tập trung khi làm việc thì những hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra với toàn bộ quá trình sản xuất.

Ngoài ra, khi xã hội đang đứng trước cách mạng công nghiệp 4.0, thời điểm của “chuyển đổi số” hay “tự động hóa”, lao động thủ công của con người sẽ dần bị thay thế bởi máy móc. Số lượng nhân công trong nhà xưởng sẽ bị giảm đi rõ rệt. Thực trạng đó đòi hỏi công nhân phải trau dồi tri thức, năng lực sáng tạo để có thể điều khiển được với máy móc hiện đại, làm chủ công nghệ để quy trình sản xuất đạt được hiệu quả cao nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *